Đừng lo lắng nếu bạn chưa tìm ra được ngành học mà mình thích, hay con đường sự nghiệp mà bạn muốn theo đuổi, bởi vì có nhiều hơn một con đường dẫn bạn đến với công việc.

Nếu bạn cảm thấy bối rối về việc sẽ học gì ở đại học, hay bạn bị “thao túng” bởi cha mẹ, thầy cô rằng quyết định này sẽ có ảnh hưởng đến cả đời bạn - đừng căng thẳng.

Bởi vì có khá ít công việc yêu cầu cần phải có bằng cấp nhất định. Và ngay cả những ngành đó, chẳng hạn như y học, bạn có thể học ngành khác trước, rồi chuyển sang học ngành này sau đó, nếu bạn thực sự muốn thay đổi và có quyết tâm.
 

Cô Emily Huns, trưởng phòng hướng nghiệp tại Queen Mary, trường đại học Luân Đôn, chia sẻ rằng: “Nếu bạn không biết học gì, và chưa xác định được con đường sự nghiệp của mình, đừng căng thẳng, đó là một điều bình thường’’.

“Hãy chọn ngành học mà bạn tin rằng mình sẽ yêu và làm tốt nó. Sau đó, vào từng năm học, song song với việc học của mình, bạn hãy làm một số công việc để làm giàu thêm kinh nghiệm cho bản thân - bất cứ điều gì, từ lãnh đạo hội sinh viên với các dự án thiện nguyện để giúp đỡ người khác hoặc thực tập ở các công ty. Những nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm những sinh viên tốt nghiệp chủ động phát triển các kỹ năng của họ”.

Làm sao để hiểu thêm về ngành học bạn đang phân vân

David Fairhurst, trợ lí tuyển sinh của UCAS (một tổ chức tuyển sinh của Vương quốc Anh) tại Nottingham, Đại học Trent khuyên rằng: Khi bạn đã có một danh sách các ngành học, “bạn cần tìm hiểu càng nhiều càng tốt về các khóa học, nhân sự, sinh viên, khoa, trường đại học và thành phố ở đó”.

Tham gia ngày hội mở cửa (ngày các trường Đại học tổ chức để chào đón Tân sinh viên tiềm năng đến thăm quan), và bạn hoàn toàn có thể hỏi giáo viên ở trường đại học đó nhiều câu hỏi. Hãy tìm hiểu kĩ hơn.

Phòng nhân sự luôn có thời gian làm việc thường xuyên, nhưng liệu có sẵn sàng giúp đỡ khi bạn cần giải đáp? Khóa học có sự linh hoạt nào nếu bạn nhận ra rằng nó không như những gì bạn mong đợi? Đừng về nhà với hàng loạt những câu hỏi chưa được giải đáp. Nhưng nếu bạn có câu hỏi, hãy gọi hoặc gửi thư điện tử cho họ.

Fairhurst cũng bày tỏ rằng: “Bạn cũng nên hỏi kĩ hơn sinh viên ở đây, họ luôn có những trải nghiệm khác nhau để chia sẻ”.

Bạn nên hỏi thêm những câu hỏi khác. Theo Julian Lovelock, Phó hiệu trưởng tại Đại học Buckingham, bạn nên tìm ra giáo viên sẽ dạy bạn, và xem thử mức độ họ quan tâm đến từng cá nhân như thế nào.

Vị trí của trường đại học cũng rất quan trọng. Bạn muốn đến vùng khác của đất nước để theo học hay mong muốn học gần nhà? Bên cạnh đó, sở thích hay tài năng khác của bạn như âm nhạc, hài kịch hay thể thao có cơ hội gì để phát triển?

“Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin bằng máy tính của mình”, Eóin Lally, trưởng phòng tuyển dụng ở St George’s, đại học Luân Đôn gợi ý.

Xem xét kĩ lưỡng về yêu cầu đầu vào trên các trang của trường đại học, và tìm hiểu một vài sự kiện trực tuyến của trường như ngày hội mở cửa ảo, hoặc các phiên hỏi và trả lời trực tuyến - đó là cơ hội tuyệt vời để bạn có được những câu trả lời cần thiết”.

Chọn ngành học làm cho bạn cảm thấy có động lực

Ian Harding đang là trợ lí tuyển sinh môn Địa chất học tại Đại học Southampton trong suốt 20 năm vừa qua. Và đây là lời khuyên hàng đầu của anh ấy dành cho sinh viên: 

“Nếu bạn chưa xác định được ngành học của mình, tôi khuyên rằng bạn hãy dành một khoảng thời gian để suy ngẫm xem môn học nào bạn đang được điểm A hoặc bằng GCSE nào làm bạn cảm thấy hứng thú (GCSE là một bằng cấp học thuật được cấp tại Vương quốc Anh, WalesBắc Ireland, được cung cấp cho mỗi môn học)”.

“Đó có thể không phải là một ngành học đơn lẻ, đôi khi ngành đó là sự tổ hợp của những môn học khác”. Quay trở lại với đơn đăng kí của tôi, lúc đó, tôi không biết mình nên học ngành gì. Nhưng bởi vì ở trường cấp ba, hóa học, địa lí và lịch sử là những môn mà tôi yêu thích; nên cuối cùng tôi đã học Địa chất học, và yêu quý ngành này.”

“Điều quan trọng nhất đó là hãy chọn ngành học truyền cảm hứng cho bạn. Nếu một học sinh nhiệt huyết, biết kết nối và có khả năng “chèo lái” thì tương lai của họ sẽ trở nên vững chắc hơn; vì vậy sự lựa chọn của ngành học là điều tối quan trọng, và chúng ta cần một “ngọn lửa”!. Tìm một ngọn lửa của chính bạn!”.

“Tôi có thêm một lời khuyên rất thực tế, đó là tìm hiểu các trang mạng và bảng xếp hạng về trường.  Nhưng hãy nhớ rằng, nó không mang lại cho bạn nhiều thông tin về từng ngành học cụ thể”.

“Bạn sẽ dành 3 đến 4 năm cuộc đời để học đại học, bởi vậy việc tham gia ngày hội Open day, nói chuyện với những sinh viên hiện tại của trường, gặp một số thầy cô sẽ dạy bạn là một điều vô cùng cần thiết”.

Nguồn:
Lucy Tobin (2014). Don't know what subject to study at university? Don't panic!. The Guardian