Trắc nghiệm hướng nghiệp được xây dựng dựa trên lý thuyết Holland hỗ trợ các cá nhân xác định tính cách và sở thích liên quan đến công việc. Theo lý thuyết Holland, sự hài lòng về quyết định nghề nghiệp tùy thuộc vào sự phù hợp giữa tính cách cá nhân và môi trường công việc . Sự tương đồng giữa tính cách và môi trường làm việc càng cao thì cá nhân càng hạnh phúc. Kể từ lần đầu nhà tâm lý học John Holland đề xuất vào năm 1959, lý thuyết đã được cập nhật và phát triển qua nhiều năm và nhận được sự công nhận đây là lý thuyết về nghề nghiệp có tính thực tiễn nhất và được đưa vào nghiên cứu và giáo dục nghề nghiệp rộng rãi. 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Putra của Malaysia đã tiến hành tổng hợp 162 kết quả nghiên cứu về lý thuyết Holland và các quyết định nghề nghiệp hay kế hoạch học tập nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa chúng và hiệu quả của việc sử dụng lý thuyết Holland để lựa chọn nghề nghiệp và việc học tập. 

Một số nghiên cứu đề cập rằng mô hình RIASEC được giới thiệu trong lý thuyết Holland có sự ảnh hưởng nhất định đến đến quyết định nghề nghiệp và phát triển nghề nghiệp giúp cá nhân hoặc sinh viên xác định sự nghiệp và con đường học vấn của họ. Theo Leung, et al. (2014) và Choi, Kim, and Kim (2015), lý thuyết Holland và mô hình RIASEC đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp các cá nhân hiểu thêm về bản thân và đưa ra lựa chọn theo đúng những điều mình muốn, góp phần thúc đẩy sinh viên phát triển nghề nghiệp và có tác động tích cực đến thành tích học tập của họ. Tương tự nghiên cứu của Marcus & Wagner (2015) cũng cho thấy cá nhân lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với tích cách cá nhân thường có được kết quả tốt trong bản tự báo cáo và kết quả công việc do người giám sát đánh giá. Nó cũng sẽ làm giảm các hành vi không thích ứng và giúp cá nhân trải nghiệm mức độ hài lòng cao trong công việc. Sinh viên hài lòng với chuyên ngành của mình thường sẽ nỗ lực hơn trong công việc. Nó sẽ làm tăng kết quả học tập của họ so với những người không hài lòng với khóa học chính của họ. Sự thiếu phù hợp giữa chuyên ngành và mối quan tâm của sinh viên sẽ tạo ra sự nhàm chán. Nó dẫn đến các hành vi trốn học hoặc thiếu động lực học tiếp. Một điểm quan trọng từ kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra không chỉ môi trường làm việc, các cá nhân cũng nên cân nhắc về đầu ra của công việc, điều này sẽ làm giảm sự buồn chán. 

Một nghiên cứu khác về tính nhất quán của mã Holland đầu ảnh hưởng đến sự nghiệp. Theo Tracey, Wille, Durr II, & Fruyt (2014), tính nhất quán về sự yêu thích của cá nhân có liênhệ đến sự bền bỉ và nỗ lực đạt thành tích, vì vậy tính nhất quán về sở thích là một biến số quan trọng trong việc lựa chọn nghề nghiệp.

Nghiên cứu của Etzel và Nagy (2015) cho thấy mối tương quan yếu giữa sở thích và sự hài lòng trong công việc, thay vào đó, các yếu tố yêu cầu công việc và năng lực cá nhân cho thấy có mối tương quan mạnh hơn với sự hài lòng. Pozzebon, Ashton, and Visser (2014) cũng phát hiện sở thích nghề nghiệp không phải là yếu tố chính ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp. Li, Yao, Chen, and Wang (2012) cho rằng sở thích có thể không đủ để tác động hay thay đổi hành vi. Trong việc lựa chọn nghề nghiệp, cần phải xem xét các yếu tố khác như năng lực cá nhân, giá trị mà họ theo đuổi, yêu cầu về giáo dục và đào tạo, sự uy tín, v.v.

Trong nghiên cứu của mình, Young (2016) chỉ ra rằng sự phù hợp của mã Holland phụ thuộc vào sự ổn định của tính cách cá nhân và môi trường làm việc. Vậy nên khi một trong 2 bên thay đổi thì sẽ khó để xác định sự tương đồng giữa tính cách và công việc. Kết quả nghiên cứu của Yong cho thấy mối liên hệ thấp giữa sự yêu thích và sự hài lòng công việc trong ngành IT, một phần vì đặc điểm của ngành là linh hoạt do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Nhìn chung, sự ưa thích nghề nghiệp không phải là yếu tố duy nhất khi lựa chọn nghề nghiệp. Các vấn đề về văn hóa, giới tính, cách chúng ta nhìn nhận về nghề nghiệp và giá trị của chúng,... cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của chúng ta. Lợi ích từ bài trắc nghiệm và lý thuyết Holland là giúp người dùng khám phá sở thích và kiểu tính cách của bản thân và giúp chúng ta kết nối với một kiểu môi trường việc làm tương đồng. Người sử dụng không nên đóng khung bản thân trong sở thích tại một thời điể. Các cá nhân có thể tham khảo các nhiệm vụ khác từ bài trắc nghiệm, thử thách và khám phá thêm về các lĩnh vực và chủ động mở rộng kỹ năng nghề nghiệp của bản thân.

Tài liệu tham khảo 
Zainudin, Z. N., Rong, L. W., Nor, A. M., Yusop, Y. M., & Othman, W. N. W. (2020). The relationship of holland theory in career decision making: A systematic review of literature. Journal of Critical Reviews, 7(9), 884-892.